Page 171 - Di san van hoa An Duong
P. 171
phẩm phục thêu rồng, mây, chân đi hia mũi cao, hai tay để tự nhiên trên gối, trong
tư thế phụng triều. Mặt vuông chữ điền, tai dài, lông my rậm, râu dài, mắt nhìn
thẳng. Thần thái toát lên vẻ cương nghị, nhưng cũng rất nhân hậu.
- Câu đối: làm bằng gỗ tốt, theo kiểu phẳng, nền sơn đỏ, câu đối chữ Hán
sơn then.
Nội dung câu đối:
- Chữ Hán: 萬古英靈南國史
壹方主宰李朝臣
- Phiên âm: Vạn cổ anh linh Nam quốc sử
Nhất phương Chúa tể Lý triều thần
- Dịch nghĩa: Anh linh đất nước truyền sách sử
Danh thần triều Lý nhất một phương
Câu đối đề dòng thượng khoản: Đồng Khánh Mậu Tý, xuân, nghĩa là câu đối
được tạo tác vào mùa xuân, năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh, tức là mùa xuân,
năm 1888. Dòng hạ khoản đề: Bản ấp Chánh tổng Nguyễn Văn Nội cung tiến, nghĩa
là câu đối được người trong làng là ông Chánh tổng Nguyễn Văn Nội cúng tiến.
Xưa kia tại đình Cữ, thôn làng thường tổ chức tiết lệ vào các ngày 6 tháng 3,
ngày thánh hóa 12 tháng 11 âm lịch. Nhưng ngày 6 tháng 3 là ngày lễ hội lớn nhất
trong năm. Trong lễ hội có thi rước lợn Ông Bồ giữa giáp Đông và giáp Tây của
làng. Ngoài tế lễ dâng thánh, lễ hội còn có các trò chơi thi đấu như: đấu vật, đu,
đi cầu thùm, bắt vịt, nam nữ hát giao duyên, hát ca trù, chèo sân đình... Lễ hội
thường tổ chức trong ba ngày từ 4 đến 6 tháng 3, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi,
thân ái giữa làng trên, xóm dưới.
Đình Cữ là công trình kiến trúc gỗ, có mặt bằng chữ nhị, còn được bảo tồn
gần như nguyên vẹn. Trên cấu kiện kiến trúc có nhiều tiêu bản điêu khắc có giá
trị cao về kỹ thuật và mỹ thuật, mang tính tiêu biểu của phong cách điêu khắc gỗ
nửa cuối thế kỷ XIX. Đình còn gìn giữ được một số bia cổ cách ngày nay trên ba
trăm năm, rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử của địa phương.
Đình Cữ cùng với các di tích của thôn An Phú như: chùa Thiện Linh, đền Bà
Chúa Nam Phương, sẽ là quần thể di tích lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh và còn nhiều
những ẩn chứa hấp dẫn trong tri thức dân gian cần được nghiên cứu làm sáng tỏ.
171 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG