Page 169 - Di san van hoa An Duong
P. 169
Đình Cữ có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị (二)gồm 5 gian đại bái và 3 gian
hậu cung và cũng là cung cấm. Đình làm bằng vật liệu thiên nhiên truyền thống,
gạch, gỗ, đá... xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu hồi văn, tay ngai, trụ biểu.
Ngay trước đình là đường, nên hiện nay đình không có sân. Từ hành lang của trục
đường liên thôn, bước qua những bậc cấp ốp gạch đỏ để lên đình. Tòa đại bái hai
mái chảy, lợp ngói mũi truyền thống, có năm gian cửa, cửa làm theo kiểu cửa cổ,
cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Trên mái trang trí đắp vẽ theo những
thức và đề tài truyền thống, như đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai
đầu bờ nóc đắp kìm, đấu trên bờ chảy bố trí giật cấp thấp dần xuống dưới. Phía
ngoài cùng tay ngai là trụ biểu, trụ xây kiểu cột trụ, thân trụ đắp khung câu đối
trong đắp câu đối chữ Hán. Đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê chầu vào
trong cửa đình như soi rọi tâm hồn của du khách khi vào nơi thánh ngự. Hệ thống
khung chịu lực của tòa đại bái gồm 6 bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Kết cấu từng cặp
bộ vì tương tự nhau và đăng đối qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm vì nóc
cấu trúc thuận chồng hai con tạo giá chiêng, vì nách cấu trúc bức cốn, trên cốn
kết hợp với mặt xà nách, qua các thức chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thông
phong thể hiện rất tinh xảo đề tài tứ linh, lá guột uốn khúc dài mềm mại. Vì nóc
cấu trúc thuận chồng hai con cùng với rường bụng lợn tạo giá chiêng. Trên thuận
vì nóc được chạm hoa văn dấu hỏi. Đầu dư của bộ vì cũng được chạm rất công
phu, tinh xảo hình đầu rồng, có tóc dài bay về phía sau, râu dài kiểu vấn thừng,
một đặc trưng điêu khắc gỗ của thời Nguyễn, nửa cuối thế kỷ XIX. Các cặp bộ vì
còn lại, vì nóc cấu trúc tương tự như vì gian trung tâm, vì nách cấu trúc thuận
chồng ba con. Trên các cấu kiện của các bộ vì, con thuận được kê đấu vuông thắt
đáy, thuận được chạm hoa văn lá guột, hoa văn dấu hỏi. Trên dạ câu đầu bên tả
của tòa đại bái còn ghi dòng lạc khoản “Hoàng triều Mậu Tý niên, quý đông”. Như
vậy qua hoa văn chạm khắc và dòng lạc khoản cho ta biết bộ khung gỗ của đình
hiện nay được làm vào tháng 12 năm 1888. Trên các bảy hiên bảy hậu đều được
chạm hoa văn lá lật mềm mại.
Tòa đại bái phía sau không có tường hậu mà đi thông xuống tới hậu cung.
Từ tòa đại bái đi qua một khoảng sân nhỏ mới đến tòa hậu cung đình, khoảng sân
này dân gian gọi là thiên tỉnh (giếng trời). Thiên tỉnh có tác dụng để lấy ánh sáng
và làm thông thoáng cho ngôi đình. Nhưng giếng trời còn có ý nghĩa nhân văn
khác là để cho mọi người trước khi vào cung cấm đứng ở đây nhìn thấy bầu trời
xanh, gợi mở đánh thức đến trách nhiệm và thân phận làm người. Đồng thời
169 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG