Page 178 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 178
178 Ñòa chí Quaûng Yeân
Nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở miền Bắc, Nhà nước quyết định xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Do vậy nhiều
đơn vị hành chính đều được thay đổi trong khoảng thời gian này, ngày 01/4/1961, Hội
đồng Chính phủ quyết định thành lập thị xã Uông Bí trực thuộc khu Hồng Quảng, tách
khỏi huyện Yên Hưng. Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp
nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Ngày 02/7/1964, Hội đồng Chính phủ quyết định
đổi thị xã Quảng Yên thành thị trấn Quảng Yên và trở thành huyện lỵ huyện Yên Hưng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (7/1961), Đảng bộ huyện Yên Hưng chủ trương:
Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, cụ thể là củng cố và phát triển hợp tác xã nông
nghiệp. Các hợp tác xã tiến hành hóa giá trâu, bò, đưa hợp tác xã bậc thấp lên bậc cao,
thực hiện chế độ “3 khoán” và cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ
thuật nhằm phát triển nông nghiệp”.
Trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch, do tồn tại một số vấn đề trong công tác quản
lý nên xuất hiện tình trạng xã viên xin rút khỏi hợp tác xã. Sau khi kiểm tra, Huyện
ủy nhanh chóng có biện pháp khắc phục để củng cố sự ổn định, phát triển hợp tác xã.
Công tác thủy lợi cũng được chú trọng, hàng nghìn đoàn viên thanh niên tham gia
xây đập Khe Giá (năm 1961); đập Yên Trung, Hà Thu (năm 1962). Số lượng công trình
thủy lợi được xây dựng ngày càng nhiều đã phát huy tác dụng trong việc chủ động tưới
tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Lĩnh vực chăn nuôi, nhất là nuôi trồng thủy sản có bước phát triển mới. Phong trào
trồng cây phủ xanh đồi trọc được chú trọng, nhiều loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây nước
mặn được trồng với số lượng lớn ở các xã Hoàng Tân, Tiền An, Hiệp Hòa, Yên Lập.
Ngày 09/7/1962, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện họp Hội nghị mở rộng, quyết định
phương hướng phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp của huyện là: Trước mắt tập
trung sản xuất nông cụ và hàng tiêu dùng cho nhân dân địa phương.
Đến cuối năm 1965, huyện có 19 hợp tác xã thủ công nghiệp (trong đó có 4 hợp tác xã
bậc cao), với 1.472 lao động, 29 hợp tác xã kiêm sản xuất thủ công nghiệp, giá trị tổng
sản lượng công nghiệp của huyện là 3.946.000 đồng, xếp thứ nhất toàn tỉnh. Phong trào
thi đua “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai” sôi nổi trong ngành thủ
công nghiệp và công nghiệp địa phương. Tổ máy gạch 1 (Xí nghiệp Gạch Yên Hưng) là
tổ đầu tiên đăng ký tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Về giao thông, huyện đầu tư, xây dựng một số tuyến đường huyện và trục đường liên
xã, bến phà. Từ tháng 8/1964 khi Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, huyện thành lập Ban
chỉ đạo giao thông vận tải và hợp tác xã vận tải thuyền buồm, kiểm tra các cầu cống,
đường sá, cải tiến phương tiện vận tải, trang bị đèn tín hiệu, phao cho các phà để kết
hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Về giáo dục, ngay từ đầu năm 1961, Ủy ban hành chính huyện đã giao chỉ tiêu cho
các địa phương về học bổ túc văn hóa, các lớp bổ túc cấp I, cấp II, cấp III được mở ra liên
tục để nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trong lĩnh vực y tế, việc chăm lo sức khỏe nhân dân có bước tiến rõ rệt, tỷ lệ giường
bệnh, trạm y tế tăng lên; công tác giáo dục vệ sinh phòng bệnh được phổ biến rộng rãi,
tiêm chủng được mở rộng và thường xuyên nên ngăn ngừa được nhiều bệnh tật.