Page 216 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 216
216 Ñòa chí Quaûng Yeân
Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 - 1968)
và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (1969 - 1972), Đảng bộ Yên Hưng lãnh
đạo nhân dân trong huyện chuyển hướng mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến,
vừa sản xuất vừa chiến đấu, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Công
tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng không sơ tán được triển khai
khẩn trương và kịp thời. Các cơ quan của huyện cùng nhân dân các vùng phụ cận sơ tán
nhanh chóng, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mỗi đơn vị (làng, cơ quan) đều xây dựng một
tiểu đội dân quân, tự vệ. Huyện chuẩn bị một đại đội và một tiểu đoàn để bổ sung cho
tỉnh bất kỳ lúc nào. Từ ngày 05/10/1965 - 11/1968, dân quân tự vệ Yên Hưng đã chiến
đấu dũng cảm, trực tiếp bắn rơi 5 máy bay (Nam Hòa 1, Minh Thành 1, Liên Vị 1, Yên
Giang 1, Thượng Yên Công 1), bắn bị thương 5 chiếc khác, bắt sống phi công Mỹ. Ngày
03/10/1967, tổ trực chiến xã Yên Giang dũng cảm chống lại 3 đợt tấn công của máy bay
Mỹ, kiên quyết không cho trực thăng của chúng cứu giặc lái bị bắn rơi, hạ một chiếc máy
bay AD6, góp phần cùng đơn vị bạn bắt sống giặc lái Mỹ.
Song song với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu là nhiệm vụ sản xuất, phát
triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Để phát triển nông nghiệp, Đảng bộ huyện xác định
thủy lợi là nhiệm vụ hàng đầu kết hợp chặt chẽ với khai hoang mở rộng diện tích để
tăng năng suất cây trồng. Cùng với khai hoang lấn biển mở rộng diện tích, huyện chú
ý tới việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, loại thải giống cũ thoái hóa, thay
giống mới 813, Mộc Tuyền có năng suất cao, cấy chăng dây thẳng hàng, thả bèo hoa dâu,
xây lò xử lý hạt giống; phát động toàn dân làm phân xanh, phân chuồng, đắp bờ vùng,
bờ thửa. Thanh niên Yên Hưng có phong trào xây dựng những “cánh đồng năng suất
cao thắng Mỹ” (cánh đồng 5 tấn), phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, thiếu niên, nhi
đồng có phong trào “Nghìn việc tốt”, các cụ phụ lão với phong trào “Bạch đầu quân” rất
sôi nổi... Với những chủ trương đúng đắn nên trong chiến tranh phá hoại ác liệt của đế
quốc Mỹ, sản xuất nông nghiệp vẫn thu được nhiều kết quả. Năm 1966, diện tích gieo
trồng tăng 2% so với năm 1965, diện tích cây lương thực tăng 4% so với năm 1965. Năm
1967 giành thắng lợi trên cả 3 mặt trận: diện tích, năng suất, sản lượng. Ba hợp tác xã
Hòa Bình, Vị Khê, Cẩm Tiến đạt 5 tấn thóc/ha, 24 xã đạt năng suất cao. Đến năm 1975,
năng suất lúa đạt 19,32 tạ/ha, có hợp tác xã đạt 20,5 tạ/ha. Sản lượng lương thực quy
thóc toàn huyện đạt 15.007 tấn. Huyện đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước vượt chỉ tiêu:
lương thực tăng 19%; thực phẩm (thịt lợn, cá, rau) tăng 59%... Mức ăn của xã viên năm
1973 là 14 kg lương thực/người/tháng, năm 1975 tăng lên 16 kg/người/tháng.
Công tác chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam cũng được các cấp ủy đảng
lãnh đạo, động viên nhân dân thực hiện tốt. Công tác tuyển quân của huyện luôn đạt và vượt
mức chỉ tiêu được giao; riêng năm 1975, số người nhập ngũ bằng tổng hai năm 1973 - 1974.
Nhiệm vụ hậu phương luôn được hoàn thành xuất sắc theo tinh thần “Thóc không thiếu
một cân, quân không thiếu một người”.
Bên cạnh việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội,
quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng luôn được Huyện ủy quan tâm, chú trọng.