Page 214 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 214

214    Ñòa chí Quaûng Yeân



                  Bên cạnh việc phát triển lực lượng, tiến hành địch vận, phá tề, Huyện ủy phát động
               các phong trào đẩy mạnh sản xuất, đóng thuế nông nghiệp, ủng hộ kháng chiến. Ở vùng
               giải phóng, huyện tiến hành giảm tô, cấp ruộng đất cho nông dân nghèo; tiếp tục duy trì
               và mở rộng các lớp bình dân học vụ, xây dựng đời sống văn hóa mới.

                  Trong cuộc đấu tranh ở vùng sau lưng địch, Đảng bộ huyện luôn chú trọng phát triển
               cơ sở đảng, tăng cường công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Đến đầu năm 1949, 13 xã
               của huyện Yên Hưng đã có chi bộ Đảng, tổng số đảng viên lên tới gần 100 người. Huyện
               ủy chú trọng xây dựng các chi bộ cơ sở, làm chi bộ xã có đủ năng lực lãnh đạo cuộc đấu
               tranh trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa ở địa phương. Phong trào xây
               dựng chi bộ, đảng bộ “tự động công tác”  phát triển mạnh. Yên Hưng có 3 chi bộ đạt tiêu
                                                        (1)
               chuẩn chi bộ “tự động công tác”.

                  Tháng 4/1949, Hội nghị đại biểu toàn Đảng bộ huyện Yên Hưng họp ở căn cứ Vàng
               Tân để quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy, đồng thời
               thảo luận nhiệm vụ cụ thể của Đảng bộ nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở địa phương
               cùng với cả nước tích cực chuẩn bị mọi mặt cho việc chuyển mạnh sang tổng phản công.
               Ban Chấp hành Đảng bộ được kiện toàn, gồm 9 đồng chí. Toàn Đảng bộ có 116 đảng
               viên, hầu hết các xã đều có chi bộ Đảng và các tổ chức nòng cốt của phong trào kháng
               chiến ở địa phương.

                  Tháng 5/1951, Đảng bộ huyện Yên Hưng tổ chức Đại hội đại biểu để kiện toàn tổ chức
               và đề ra nhiệm vụ mới, đối phó với âm mưu đen tối của thực dân Pháp. Đại hội kiểm
               điểm, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo đấu tranh trong vùng địch hậu giai đoạn
               trước và xác định quyết tâm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của
               Trung ương Đảng, đánh bại hoàn toàn âm mưu bình định của quân Pháp ở Yên Hưng.
               Đại hội nhấn mạnh các mặt công tác sản xuất, phát triển văn hóa cách mạng, công tác
               địch vận...; nhất là công tác xây dựng Đảng ở vùng sau lưng địch. Đại hội bầu Ban Chấp
               hành mới, đồng chí Nguyễn Thi được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy.

                  Từ năm 1952 - 1954, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo nhân dân Yên Hưng kháng chiến toàn
               diện, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực tham gia và phục vụ các chiến dịch, nhất
               là Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩn trương chuẩn bị tiến tới giải phóng quê hương. Ngày
               07/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Tin vui chiến thắng rộn rã khắp cả nước.
               Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thực dân Pháp cam kết tôn trọng độc
               lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc ta. Một nửa đất nước được hoàn toàn giải phóng.

                  Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng
               thuộc khu vực tập kết 300 ngày của quân Pháp trước khi chúng rút khỏi miền Bắc nước
               ta. Trong thời gian đó, thực dân Pháp tiến hành hàng loạt hành động phá hoại kinh tế,
               tháo dỡ máy móc, thiết bị kỹ thuật, tuyên truyền cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam,
               đào tạo, gài gián điệp ở lại hoạt động phá hoại công cuộc xây dựng hòa bình của nhân
               dân ta.


               (1)  Chi bộ “tự động công tác” là chi bộ có đủ khả năng tự động lãnh đạo cơ sở, không có cấp ủy viên
               cấp trên phụ trách.
   209   210   211   212   213   214   215   216   217   218   219