Page 214 - Sách năm 2022 - Fulltext - hieu final
P. 214
viện hoặc tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Những bệnh nhân được điều trị bằng His-CRT chứng tỏ
khả năng tái đồng bộ điện vượt trội và xu hướng đáp ứng siêu âm tim cao hơn BiV-CRT [4],[5],[8].
* Tạo nhịp sau cắt đốt nút nhĩ thất
Những bệnh nhân rung nhĩ kháng với điều trị nội, đôi khi phải cắt đốt nút nhĩ thất qua ống
thông và cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn sau khi cắt đốt đã cải thiện triệu chứng. Tạo nhịp bó His cung
cấp thêm lợi ích cho những bệnh nhân này thông qua việc làm gián đoạn dẫn truyền nhĩ thất và tạo
ra dẫn truyền dưới nút bình thường, có thể tránh được bệnh cơ tim do tạo nhịp và suy tim do mất
đồng bộ của tạo nhịp thất phải.
Vijayaraman và cộng sự báo cáo tỷ lệ thành công 95% đối với tạo nhịp bó His ở bệnh nhân
sau cắt đốt nút nhĩ thất trong rung nhĩ. Phân suất tống máu thất trái được cải thiện từ 43% lên 50%,
với sự cải thiện đáng kể phân độ suy tim NYHA. Trong một nghiên cứu khác trên 94 bệnh nhân
cắt đốt nút nhĩ thất, tạo nhịp bó His thành công 86% với sự cải thiện phân suất tống máu thất trái
từ 44,9 ± 14,9% lúc ban đầu lên 57,6 ± 12,5% sau theo dõi trung vị đến 3 năm. Hiệu quả của tạo
nhịp bó His có thể không chắc chắn ở những bệnh nhân chậm dẫn truyền trong thất, sẹo thất trái
lớn và ở 10–30% bệnh nhân blốc nhánh trái mà vị trí ở xa bó His [2], [4], [11].
Hướng dẫn của ESC năm 2021, AHA/ACC/HRS được công bố gần đây về xử trí rối loạn
nhịp chậm, tạo nhịp bó His được khuyến cáo là chỉ định loại II ở bệnh nhân blốc nhĩ thất có chỉ
định tạo nhịp vĩnh viễn. Hướng dẫn của ESC năm 2021 khuyến cáo tạo nhịp bó His như một liệu
pháp loại I cho những bệnh nhân rung nhĩ trải qua cắt đốt nút nhĩ thất.
Mặc dù được coi là một giải pháp thay thế có thể chấp nhận cho tạo nhịp thất phải, tạo nhịp
bó His có một số hạn chế vốn có. Bởi vì các mô sợi trong phần màng vách liên thất cách điện với
cơ tim xung quanh nên ngưỡng tạo nhịp tạo nhịp bó His có thể cao hơn ngưỡng tạo nhịp thất phải
khoảng 10–20% bệnh nhân. Ở những bệnh nhân có bó His nằm sâu, vòng xoắn có thể không đủ
dài để đạt ngưỡng tạo nhịp cần thiết. Ngưỡng tạo nhịp > 2 V ở độ rộng xung 1 ms có thể thấy ở
khoảng 10% bệnh nhân [2],[11], [12].
2.2 Tạo nhịp nhánh trái: Tạo nhịp nhánh trái là một kỹ thuật mới trong đó điện cực tạo nhịp
được định vị ở phần dưới nội mạc cơ tim của phần đáy vách liên thất trái gắn vào đầu gần nhánh
trái hoặc phân nhánh trái của nó. Lợi ích rõ ràng ở đây là ngưỡng tạo nhịp thấp và nhận cảm cao
hơn so với tạo nhịp bó His. Các đặc điểm chuyên biệt của tạo nhịp nhánh trái là hình thái QRS có
dạng blốc nhánh phải hẹp, điện thế nhánh trái và rút ngắn trực tiếp kích thích tạo nhịp đến đỉnh
thời gian hoạt hóa thất trái mà vẫn không ảnh hưởng đến cường độ [10].
214