Page 103 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 103

60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM                            LÊ TRÚC KHANH
           hiếm thấy hôm nay), đi hàng một ven lề cỏ trên tỉnh lộ. Chợt một em nào
           đó nhìn thấy tôi ngồi sau chiếc Honda người bạn đang chạy ngược chiều,
           lập tức dừng lại, lột nón ra chào thầy. Thế rồi xe chạy tới đâu,  học trò
           dừng tới đó. Lớp lớp chiếc nón gỡ xuống rồi đội lên giống hệt như một
           nguyên thủ quốc gia đang duyệt qua hàng quân danh dự! Người bạn tôi
           - không làm nghề dạy học - hết sức ngạc nhiên. Khi hiểu ra, anh nói với
           tôi: “Tôi có thể đổi mọi thứ trên đời để được làm thầy giáo như anh, dù
           chỉ là một phút!”.
              Kể lại chuyện nầy, tôi muốn nói học sinh thế hệ trước 1975 vô cùng
           ngoan ngoãn, lễ phép và kính trọng Thầy Cô như những bậc sinh thành.
           Có lẽ, không chỉ mình tôi mới có cái “diễm phúc” kia bởi vì với tất cả
           Thầy Cô, các em đều trân trọng. Tôi cũng không thể nào quên, trong
           một phiên chợ sớm tại Ô Môn, khi đang hoà theo dòng người ồn ào, náo
           nhiệt, thì một bàn tay ai đó nắm chặt tay mình. Anh học trò Nguyễn Văn
           Bốn nói thật khẽ như chỉ để hai thầy trò nghe: “Thưa thầy, con xin giới
           thiệu, đây là vợ của con. Hai vợ chồng con đang đi mua sắm đồ chuẩn bị
           Tết”. Tôi ngước nhìn cô gái nông dân,  nét mặt hiền lành nhân hậu, rồi
           nhìn Bốn, anh học trò ít nói, chăm chỉ, có vẻ người lớn trong lớp... bằng
           cả sự bối rối và lòng mến thương vô hạn. Học trò tôi đa số xuất thân từ
           những vùng quê nghèo khó, lại thêm chiến tranh triền miên, nên thanh
           niên vừa mới lớn đã lập gia đình. Và chính các em, những “thiên thần áo
           trắng” ấy, đáng lẽ phải sống hồn nhiên bên mái trường, lớp học, thì lại
           chen chân vào mưa gió cuộc đời, vì nợ nần cơm áo. Bối rối, bởi tôi cảm
           thấy sự yêu thương, kính trọng của các em đối với mình quá lớn - và hơn
           thế nữa - khi Bốn sắp sửa làm cha, xưng hô với thầy là “con”, thì năm đó
           tôi vẫn chưa có gia đình! 45 năm rồi còn gì! Năm nay, vợ chồng Nguyễn
           Văn Bốn hẳn đã tuổi sáu mươi, đã có một đàn cháu nội, ngoại đề huề, gia
           đình hạnh phúc. Tôi vẫn cầu mong như thế.
              Sau nầy, có nhiều lần công tác Ô Môn, ở trọ qua đêm, tôi nhớ vô cùng
           những đêm cuối năm lành lạnh, trời đầy sao. Thầy trò đi trên công viên
           nằm cạnh dòng sông. Nhớ các em trong một lần cắm trại ở Ca My đã từng
           hứa hẹn: “Khi nào hoà bình, tụi em sẽ cất cho thầy một ngôi nhà ở đầu
           vàm để thầy ngắm trăng, làm thơ!”. Những người bạn trẻ ấy, hôm nay
           ai còn, ai mất? Ngồi một mình ở quán nước ven đường cạnh nhà trọ Phú
           Lâm, trong lớp người qua, không tìm thấy một “cố nhân” của thời “cổng
           trường vôi trắng ngăn tầm mắt - Sương giấu niềm đau dưới gót chân”!
              Lòng chợt bâng khuâng. Hay những người mới gặp hôm qua là từ một

                                         106
   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108