Page 45 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 45
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
tản. Rồi cuộc trốn chạy tự dừng lại khoảng sau một ngày, ai về nhà nấy
và cũng chẳng ai biết tin tức “Thổ dậy” xuất phát từ đâu!
Hiệp định Genève 1954 đã làm thay đổi cuộc sống xã hội miền Nam,
mà Bến Tre không là ngoại lệ. Làng quê đã có những năm tháng hết sức
thanh bình, dù ngắn ngủi. Đây là thời kỳ vang dội nhất của những bài hát
như: Gạo trắng trăng thanh, Lúa mùa duyên thắm, Khúc ca ngày mùa,
Trăng rụng xuống cầu, Khúc hát ân tình...
Dân chúng ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Chợ Lớn hoặc các tỉnh
lân cận nườm nượp về Bến Tre. Có người về thăm thân nhân rồi đi,
nhưng cũng có gia đình về chọn mua đất, dựng nhà định sống lâu dài.
Trẻ con miền quê hình như “dị ứng” với những người thành phố. Họ mặc
quần áo lịch sự, đẹp đẽ quá trong khi ở đây thì trẻ con đầu trần chân đất,
tóc cháy vàng khét nắng, áo quần lôi thôi, lếch thếch. Do vậy, dân thành
phố về quê trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” của những lời mai mỉa: áo
thì “áo chim cò”, ai lỡ mang kính đen thì là “Thòi lòi lên bờ”!. Có những
cô gái, tóc bỏ đuôi gà, kẹp ba lá, có người mái tóc dài ngang lưng... thì
bọn trẻ con chạy theo cả đám như coi hát, vỗ tay reo hò “Ô, con sóc Việt
Nam!”. Trò vui “vô duyên” đó làm náo động cả làng quê, từ lúc các “nạn
nhân” xuất hiện cho đến khi họ về tới nhà mình thì đám đông tự phát kia
mới chịu giải tán, ai về chỗ nấy! Và những thằng bé quê như tôi lại có
được thêm những trận cười vui.
Không khí rộn ràng là những ngày cận tết. Dọc đường quê, người dân
tự phát dựng lên ở bãi đất trống những giàn cao bằng tre tạm bợ để làm
nơi phơi bánh tráng. Các lò bánh cũng đã nổi lửa từ đầu tháng Chạp.
Vậy là anh em tôi lại có cơ hội đứng kế dì Năm hoặc má tôi để chờ được
ăn những chiếc bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa bị lỗi. Cũng có khi, má
tôi gom lại mớ bìa bánh tráng nem đã được cắt gọn trước khi đóng bánh
thành cây, để lên mặt khuôn trên trả (một loại nồi đất thật to dùng đựng
nước nấu sôi để tráng bánh) hấp lại cho nóng, bìa bánh mềm ra, sau đó
trộn thêm chút mỡ hành phi cho anh em tôi ăn với nước mắm đã được
chế biến thơm phức mùi tỏi, ớt. Những buổi ăn sáng tuyệt vời đậm hương
vị quê nhà đó, cho đến hôm nay vẫn còn rưng rưng nỗi nhớ.
Lại nhớ lan man đến dì Năm, chị ruột của má tôi. Dì có người chồng
làm thợ mộc. Thời đó, dượng Năm là thợ giỏi số một ở làng Tân Thạch.
Hầu như những ngôi nhà bằng gỗ xây cất ở làng tôi lúc đó đều có bàn
tay của dượng. Dượng Năm chẳng những khéo tay mà còn vô cùng kiên
nhẫn. Tôi từng thấy dượng mất cả tháng trời, một mình xẻ mấy cây dừa
48