Page 79 - Me Toi
P. 79
Tôi chẳng biết gì hơn là để mẹ nắm tay tôi giao cho chú
Sơn, và chị tôi run lẩy bẩy khóc ôm chân mẹ trong ánh
lửa bập bùng bốc cháy khắp nơi, cùng tiếng đạn pháo hú
ghê rợn bay qua đầu chúng tôi rồi nổ rung chuyển mặt
đất .
Chú Sơn kéo tôi chạy thoát ra khỏi làng trên những cánh
đồng lúa dưới những tiếng hú của những trái phá, và bỏ
lại đàng sau làng tôi với những cột lửa bốc cao trong
đêm tối…! Tôi và chú Sơn chạy qua làng Bái Vàng rồi
chạy vào nhà Dòng Công giáo ở làng Hoàng Nguyên gần
quận Sổ Nghệ, cách Hà Nội khoảng 10 cây số.
Ngày tháng chạy loạn đó, tôi không hiểu tại sao có chiến
tranh, tại sao người giết người, và tại sao con người thù hận lẫn nhau…? Tôi cũng
không hiểu ai đã gây ra thảm cảnh quê hương bị tàn phá, xác chết ngổn ngang trong
làng, và xác chết bỏ đồng hoang. Nhưng trí nhớ tôi đã ghi trọn vẹn mọi thảm loạn từ
ngày quê tôi tràn lan lửa khói, từ ngày tôi vừa chạy theo sức kéo tay của chú Sơn vừa
quay lại khóc gọi mẹ, và vừa ngã để chú Sơn kéo lê trên những rãnh khoai để thoát
khỏi làng. Trí nhớ tôi gợi lên cho tôi biết rằng tôi đã chạy bán sống bán chết theo chú
kéo đi, vấp phải người chết ngổn ngang trong đêm tối giữa tiếng nổ của đạn pháo và
ngã trên vũng máu người trong sân nhà Dòng Hoàng Nguyên ngày nào.
Nhà Dòng làng Hoàng Nguyên là nơi đào tạo ra các linh mục cho vùng đồng bằng của
sông Hồng Hà, nó là nơi phát xuất tin lành Công giáo trong vùng Nam Định, Hà Nam,
Phủ Lý và cuối tỉnh Hà Đông gần quận Sổ Nghệ. Nó cũng là nơi mọi người dân quê mộc
mạc, chất phác tin rằng thực dân Pháp sẽ hành quân ngang qua, nhưng sẽ không pháo
kích vào nhà Dòng hoặc giết dân và các linh mục đang tỵ nạn trong khuôn viên nhà
thờ. Họ ôm trong lòng niềm tin vào cây thập tự giá trên nóc nhà thờ sẽ cứu họ, vì cây
thập tự giá là biểu hiệu cho Công giáo, hòa bình, và xóa bỏ hận thù trong lòng mọi
người. Do đó mỗi khi có cuộc càn quét của thực dân Pháp trong vùng là nhà thờ nào
cũng mở của để dân chúng chạy vào tỵ nạn.
Trên đường chạy tới nhà Dòng Hoàng Nguyên, tôi đã thấy rất nhiều người ở các làng
khác tay ôm con, dắt ông bà hoặc gánh con mỗi đứa một bên thúng. Có kẻ bị thương
đang được cáng võng tất tưởi dồn về nhà Dòng. Trên tay những người trẻ có vài ba bộ
quần áo, mấy túi gạo, con gà, và họ đang khóc sụt sùi chạy lên xuống để tìm người
thân đã thất lạc.
Những người tỵ nạn cũng như tôi đều mang trên mặt nỗi sợ hãi qua những lần chết hụt
giữa bom đạn của quân phiệt Pháp và Việt Minh. Tôi không biết giữa họ ai phải ai trái,
nhưng tôi chỉ hiểu rằng bom đạn đã đổ vào làng tôi và mấy làng bên để tàn phá giết
dân vô tội, và những khúc mắc so sánh trong lòng tôi về quân phiệt Pháp và Việt Minh
lại tự nhiên hiện ra, trong khi chú Sơn kéo tôi chạy trên đường ruộng.