Page 271 - Di san van hoa An Duong
P. 271
hóa. Đặc biệt có tổ chức hợp tế hội đồng ba thôn: Văn Xá, Nhu Kiều và Kiều
Thượng. Bởi vậy trong làng xưa có câu ca:
“Ai ơi chớ vội lấy chồng
Ở nhà xem tế Hội đồng ba thôn”
Song, địa phương lấy ngày 3 tháng 3 là ngày hội làng lớn nhất trong năm.
Trước đây vào dịp này dân làng tổ chức ba ngày. Trong hội có rước bài vị thần từ
các miếu qua đình Nhu Thượng, qua chùa làng về đình rồi tổ chức tế lễ và mở hội.
Lễ hội có nhiều trò chơi, thi đấu dân gian như: chèo sân đình, hát ca trù, đu tiên,
vật, chọi gà, tổ tôm điếm... Gần đây dân làng tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các
địa phương trong xã, tổ chức kéo co đội nam, đội nữ. Đặc biệt, dân làng tổ chức
đua thuyền giữa các đội nam, giữa các đội nữ trên dòng mương lớn gần đình. Tuy
đua thuyền là trò chơi địa phương mới tổ chức được khoảng 10 năm nay, nhưng
những đội đua thuyền của Nhu Kiều luôn đạt giải cao khi thi đấu trong huyện An
Dương cũng như thành phố Hải Phòng. Nhân dân địa phương cũng từng bước kế
thừa, phát huy những nét văn hóa tốt đẹp trong lễ hội truyền thống mà tiền nhân
đã xây dựng lên.
Đình Nhu Kiều - công trình kiến trúc gỗ cổ truyền, là một trong số ít di tích
của huyện An Dương có tuổi đời xấp xỉ 100 năm. Ngôi đình thờ vị Thành hoàng
từ thời Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt đình Nhu Kiều cùng với đình Nhu
Thượng, hai làng gần nhau cùng thờ hai chị em bà Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn, con
vua Mai Hắc Đế. Đây là những nhân vật lịch sử rất hy hữu trong cuộc kháng
chiến chống sự đô hộ của nhà Đường, thế kỷ VIII ở thành phố Hải Phòng cũng
như của toàn quốc. Sự tích hai vị Thành hoàng trên là nguồn sử liệu rất có giá
trị để bổ sung vào những trang lịch sử hào hùng của người dân An Dương trong
cuộc trường chinh có từ rất sớm và rất dài lâu chống kẻ thù xâm lược để giành
độc lập, tự do cho đất nước.
271 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG