Page 106 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 106

106    Ñòa chí Quaûng Yeân



                  Năm 1802, thập nhị Tiên Công (đại diện 12 dòng họ của xã Yên Hưng  - nay là
                                                                                                (1)
               phường Yên Giang) hợp sức, chiêu tập người quai đê lấn sông Bạch Đằng, mở rộng đồng
               ruộng, làng xóm.

                  Năm 1831, một số cư dân từ Quỳnh Biểu, Hà Nam và một số vùng khác đến khu vực
               bãi cát cổ phía Đông làng La Khê sinh sống, lập nên làng Bùi Xá.
                  Từ khi hình thành làng xã, đa số cư dân khu Hà Bắc, Hà Nam không thuần nông mà
               vừa làm ruộng vừa đánh bắt cá, làm nghề thủ công, nghề sơn tràng, nghề vận tải, làm
               thủy lợi, buôn đò dọc, chạy chợ...; các hoạt động thương mại, trao đổi, buôn bán hàng
               hóa khá phát triển.

                  Đời vua Gia Long năm thứ nhất (1802), trụ sở trấn Yên Quảng rời từ xã Vu Thanh,
               huyện Kim Thanh, phủ Kinh Môn đến vị trí gò Quỳnh Lâu, huyện Yên Hưng, làm trấn
               lỵ trấn Yên Quảng. Trong các năm 1826, 1866, vua Minh Mạng và Tự Đức cho xây dựng
               thành lũy ở Quảng Yên, từ đó, Quảng Yên dần phát triển thành trung tâm chính trị,
               văn hóa của một vùng rộng lớn. Trụ sở của các cơ quan nhà nước, dinh thự các quan
               lại được chuyển về đây. Tính chất đô thị tại Quảng Yên cũng dần hình thành. Các hoạt
               động thương mại, dịch vụ trở nên phong phú, cư dân từ các nơi chuyển về đây sinh sống,
               kinh doanh buôn bán, tạo nên sự đa dạng trong thành phần dân cư, gồm: quan lại, quân
               lính, chí sĩ, nông dân, thợ thủ công, các nhà buôn...
                  Từ tháng 3/1883, sau khi chiếm được khu vực thành tỉnh Quảng Yên, thực dân Pháp
               xây dựng tại đây trại lính, đồn bốt, dinh Tỉnh trưởng, Sở Mật thám, Nhà tù, Kho bạc,
               Nhà đoan, chợ Rừng, mở rộng thêm các khu phố... Quảng Yên trở thành thị xã tỉnh lỵ
               Quảng Yên, nơi tập trung bộ máy cai trị cả vùng Đông Bắc của thực dân Pháp. Bên
               cạnh đó, trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Quảng Yên với lợi thế gần nguồn than đốt và
               gần cửa biển nên người Pháp chọn đây là nơi đặt Nhà máy Kẽm Quảng Yên - nhà máy
               kim loại màu lớn nhất Đông Dương, do đó thu hút nhiều luồng nhập cư. Ngoài quan
               lại, binh lính là người Pháp, những người nhập cư chủ yếu là công nhân, phu phen, tạp
               dịch, người buôn bán...

                  Thời điểm này, Yên Hưng và Quảng Yên là 2 đơn vị hành chính độc lập. Từ khi
               Quảng Yên trở thành trung tâm chính trị của vùng Đông Bắc, một bộ phận cư dân Yên
               Hưng đã tới làm công nhân tại Nhà máy Kẽm, làm phu tại phố thị, làm thủy thủ trên
               các tàu biển, tàu sông. Những nông dân ở quê cũng tranh thủ mang các sản phẩm nông
               nghiệp, đồ thủ công, hải sản đánh bắt từ sông biển sang các chợ lớn trong vùng như: chợ
               Rừng, chợ Cốc, chợ Đông..., thậm chí tới các chợ bên Thủy Nguyên (Hải Phòng), Cát Hải
               (Hải Phòng), Quan Lạn (Vân Đồn)... để trao đổi.

                  Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Quảng Yên, Yên Hưng là địa
               bàn chiếm đóng của thực dân Pháp. Tại đây, chúng ra sức lập tề, xây dựng đồn bốt, bắt
               ép thanh niên đi lính, tiến hành các trận càn quét, lùng bắt cán bộ, khủng bố các cơ
               sở cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện chủ trương của cấp trên,
               một bộ phận cư dân di tản đến các khu căn cứ an toàn, các cư dân ở lại vẫn bám trụ,

               (1)  Xã Yên Hưng trước có tên là An Hưng, hay còn gọi là làng Rừng, xưa kia là trại An Hưng. Thời Lê,
               trại An Hưng đổi thành xã An Hưng, sau đổi thành Yên Hưng để tránh húy của chúa Trịnh Cương.
   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111