Page 252 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 252
252 Ñòa chí Quaûng Yeân
Cư dân trong một làng chủ yếu sống tập trung theo quan hệ huyết thống và quan hệ
láng giềng, mỗi làng thường có một đình thờ Thành hoàng hoặc một chùa và một vài
đền, miếu. Tùy theo điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú và dân số nhiều hay ít mà làng
có quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Một làng được chia thành nhiều xóm với những tên gọi
mộc mạc, giản dị như: xóm Đông, Tây, Nam, Bắc (làng Hải Yến); Nhọ Nồi, Quán Trong,
Quán Dưới, Quán Ngoài (xã Cẩm La); Cầu Chỗ, Cung Đường, Hồ Cày (Phong Cốc)...
Dựa vào đặc điểm địa lý, các làng, xóm được phân thành làng, xóm ven sông, ven
biển hay làng đảo như một số làng ở Hiệp Hòa, Sông Khoai, Liên Vị, Hoàng Tân... Làng
ven sông là những làng được xây dựng dọc bên sông Bạch Đằng, Sông Chanh, sông
Bình Hương... Tuy ở ven sông nhưng phần lớn làng được lập trên khu đất cao, người
dân sống bằng nghề nông và nuôi trồng thủy sản. Ở xã đảo Hoàng Tân, làng thường
chịu ảnh hưởng bởi thủy triều, cư dân sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải
sản và buôn bán.
Làng nông nghiệp ở Hà Nam là kết quả của công cuộc khai khẩn đất hoang của các
vị Tiên Công từ thế kỷ XV. Đồng ruộng ở đây tương đối rộng rãi và được bố trí như ở các
làng nội đồng, có hệ thống dẫn nước vào đồng ruộng tương đối hoàn chỉnh. Ngoài làm
nông nghiệp, cư dân các làng này còn kết hợp đánh bắt thủy sản ở cửa sông, làm các
nghề thủ công hoặc buôn bán nhỏ .
(1)
Các gia đình trong cùng một ngõ, xóm không nhất thiết là họ hàng của nhau nhưng
ở họ tồn tại sự gắn kết chặt chẽ và luôn giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Hằng
năm, dân cư các xóm tổ chức họp và bầu ra một người có năng lực và uy tín làm trưởng
xóm. Trưởng xóm có trách nhiệm điều hành công việc của xóm, chịu sự điều hành của
Lý trưởng và phó lý đương chức. Nếu được người dân tín nhiệm, Trưởng xóm vẫn có thể
giữ chức trong năm sau.
Trong mỗi làng, bảo vệ đê điều, bảo vệ làng xã là nhiệm vụ quan trọng. Ở các làng,
đặc biệt là khu vực Hà Nam, việc trông nom đê điều thường do “thủ khoán” hoặc “thủ
đê” phụ trách, thủ khoán có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra việc đắp đê cũng như trách phạt
những người không thực hiện nhiệm vụ. Thông qua việc đắp đê, bảo vệ đê điều, truyền
thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt được thể hiện rõ
nét, mối quan hệ giữa các làng được củng cố và mở rộng hơn nữa. Trước kia, đê Cống
Miếu bị vỡ bảy lỗ, dân xã vì thiếu nhân lực không thể đắp được. Hai ông Lê Văn Thể và
Vũ Văn Tín là thủ đê, theo sự giới thiệu của họ Lê đã đi gặp cụ Lê Công Bì (người làng
Yên Hưng làm quan ở Hải Dương) nhờ giúp đỡ. Cụ Bì giúp 300 quan tiền giao cho ông
Thể và ông Tín về xã thuê thợ thổ ở làng Đoan Lễ về đắp. Từ đó, xã Yên Hưng và Đoan
Lễ (Thủy Nguyên) giao hiếu với nhau .
(2)
Trong việc bảo vệ làng xã, mỗi làng thường tổ chức một hoặc hai đội phiên tuần để
bảo vệ an ninh trật tự chủ yếu bằng cách tổ chức canh gác và tuần tra nhằm phòng ngừa
nạn trộm cướp. Phiên tuần là trai đinh, dù giàu hay nghèo đều phải đi phiên, trừ khi
người đó bận việc công, đi lính, đi phu xa làng không thể cắt cử được. Mỗi đội phiên tuần
(1) Xem Bùi Xuân Đính: Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, sđd, tr.76.
(2) Xem Lê Đồng Sơn (Chủ biên): Văn hóa Yên Hưng - Lịch sử hình thành và phát triển, sđd,
tr.313-314.