Page 256 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 256

256    Ñòa chí Quaûng Yeân



                  Sau khi vọng lão, các lão được ngồi chiếu trên trong các cuộc hội họp hay cỗ bàn, được
               cả giáp, cả làng trọng vọng, được miễn trừ tạp dịch, “tịch trừ hương ẩm” và được “ăn
               biếu” của dân làng.
                  Giáp là tổ chức đóng vai trò cơ bản trong việc quản lý nhân đinh, quản lý công điền,
               tổ chức, biện lễ phục vụ việc tế thờ, đảm bảo thủy lợi, đê điều và an ninh làng xóm. Tổ
               chức giáp ở các làng thể hiện rõ sự tôn ti, trật tự, sự chặt chẽ trong quản lý con người và
               là môi trường tiến thân bằng tuổi tác “sống lâu lên lão làng”. Có thể nói, chính quyền
               thực dân, phong kiến đã lợi dụng tổ chức giáp ở mỗi làng để bắt làng xã thực hiện các
               nghĩa vụ đối với Nhà nước.

                  3.4. Phường, hội

                  Phường, hội là tổ chức tập hợp những người làm cùng một nghề hoặc cùng sở thích
               trong một làng. Phường, hội được tổ chức khá quy củ nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ
               nhau về một phương diện nào đó trong cuộc sống.
                  Trong một làng, cư dân phần lớn là sản xuất nông nghiệp song một số làng có những
               bộ phận cư dân sống bằng nghề khác như thủ công, buôn bán... Bộ phận này liên kết
               chặt chẽ với nhau tạo thành các đơn vị gọi là phường. Ở khu vực Hà Nam hình thành
               một số phường cá có tổ chức quy củ, một phường trung bình có khoảng 10 - 15 thuyền,
               một làng có thể có nhiều phường. Sau tết Nguyên đán, phường cá tổ chức mổ lợn cúng
               tổ nghề, cúng thần sông, thần biển trước khi ra khơi .
                                                                      (1)
                  Ở các làng quê xưa của Quảng Yên có một số phường như phường chài làm nghề đánh
               cá (làng ven sông Bạch Đằng, ven biển), phường làm nghề thủ công...

                  Nội dung tổ chức và sinh hoạt của các phường không giống nhau, người đứng đầu mỗi
               phường thường là người có địa vị, tài sản, tư cách và năng lực. Các phường đều thờ Tổ
               nghề, muốn gia nhập phường, thành viên phải thực hiện các thủ tục theo quy định và
               soạn lễ dâng Tổ nghề.

                  Bên cạnh các phường, trong xã hội truyền thống ở Quảng Yên còn có các hội. Đây
               là tổ chức tập hợp, liên kết những người có cùng sở thích, thú vui như hội tư văn (tổ
               chức liên kết những người có học, biết chữ, chức sắc trong làng), hội bô lão (liên kết các
               cụ ông), hội chư bà (liên kết các cụ bà đi chùa) và các hội khác như hội chọi gà, hội cờ
               tướng... trong đó hội tư văn có ảnh hưởng đến nhiều mặt của sinh hoạt làng xã. Những
               việc của làng như tổ chức hội làng, hiếu, hỉ hay việc đặt tên cho con, làm nhà... đều có
               hỏi ý kiến của hội tư văn. Thành viên hội tư văn cũng là lực lượng nòng cốt trong việc
               duy trì những phong tục, nghi lễ và là trụ cột trong làng .
                                                                           (2)
                  Phường, hội là tổ chức có sự liên kết theo chiều ngang, do đó đặc trưng của phường,
               hội là tính dân chủ, các thành viên trong tổ chức bình đẳng với nhau. Những người cùng
               một phường, hội có trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và trong đời
               sống. Các tổ chức ấy tồn tại lâu dài trong xã hội nông thôn truyền thống góp phần củng
               cố mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng làng xã.

               (1)  Theo Phạm Thị Thu Hà: Thị xã Quảng Yên từ năm 1883 đến nay, tlđd, tr.46.
               (2)  Theo Nguyễn Thị Lệ Hà: “Tìm hiểu thiết chế tổ chức làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ
               Pháp thuộc”, tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 (98), 2016, tr.58.
   251   252   253   254   255   256   257   258   259   260   261