Page 400 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 400
400 Ñòa chí Quaûng Yeân
giai cấp công nhân Quảng Yên được hình thành và từng bước trở thành lực lượng nòng
cốt trong phong trào cách mạng của địa phương.
Để đáp ứng những yêu cầu về trang bị vũ khí trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, năm 1946, huyện Yên Hưng thành lập xưởng chế tạo vũ khí tại làng Yên Hưng.
Mặc dù quy mô sản xuất còn nhỏ, máy móc thô sơ nhưng xưởng nhanh chóng sản xuất
được các loại vũ khí như: mìn, lựu đạn, dao găm, mã tấu và sửa chữa vũ khí cho bộ đội,
dân quân du kích.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế chủ yếu của huyện Yên Hưng và thị xã Quảng Yên
trong thời kỳ này nhìn chung vẫn hoạt động trong khuôn khổ của nền kinh tế thuộc địa.
2. Công nghiệp Quảng Yên từ năm 1955 đến nay
2.1. Từ năm 1955 - 1975
Sau khi hòa bình được lập lại, nhân dân thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng tiến
hành hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở
vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thành lập các hợp tác xã và chi viện sức người,
sức của cho tiền tuyến. Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong những năm đầu thực
hiện khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế (1955 - 1960), thị xã Quảng Yên và huyện
Yên Hưng cùng cả nước bắt tay vào thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất
(1961 - 1965) với nhiệm vụ trọng tâm là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, vừa phát
triển công nghiệp vừa phát triển nông nghiệp, trong đó lấy phát triển công nghiệp làm
trung tâm.
Trong những năm đầu thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, công nghiệp
địa phương được chú trọng phát triển. Cấp ủy, chính quyền chủ trương xây dựng cơ sở
chế biến nông sản, cơ sở chế biến mắm, chế biến thủy tinh, phát triển sản xuất hàng
tiêu dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đồng thời mở lớp đào tạo nâng
cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý xí nghiệp địa phương.
Năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng quyết định chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Thực hiện chuyển
hướng chiến lược, nhiều cơ sở, xí nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở
Yên Hưng sơ tán đến nơi an toàn để tiếp tục sản xuất, một bộ phận cán bộ, công nhân
lên đường nhập ngũ, một số cơ sở chuyển hướng sản xuất. Ở thị trấn Quảng Yên, Hợp
tác xã cơ khí tháng Tám chuyển sang sản xuất, sửa chữa nông cụ, tàu vận tải; hợp tác
xã sản xuất vôi xuất khẩu chuyển sang sản xuất vôi xây dựng. Mặc dù chịu ảnh hưởng
bởi chiến tranh song giá trị tổng sản lượng công nghiệp của huyện năm 1965 đạt
3.946 đồng, xếp thứ nhất toàn tỉnh. Đến năm 1969, tổng giá trị sản lượng ngành công
nghiệp đạt 5.211,929 đồng (tăng 107,4% so với năm 1968) .
(1)
Trong những năm 1973 - 1975, các ngành cơ khí sửa chữa tàu, thuyền máy được
khuyến khích phát triển, một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng được xây dựng như: cơ
sở ngói Đồng Bái, Quỳnh Phú, Ba Đại, cơ sở gạch Bến Khơi. Các ngành công nghiệp chế
tạo, sửa chữa, hóa chất, vật liệu xây dựng, dệt da, may mặc... có nhiều điều kiện phát triển.
(1) Ủy ban hành chính huyện Yên Hưng: Báo cáo tình hình chỉ đạo và thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - văn hóa năm 1969 của huyện Yên Hưng, tr.3.