Page 235 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 235

60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM                            LÊ TRÚC KHANH
           của hàng triệu người dân trong thời binh lửa. Sự đồng cảm nầy- nói theo
           ngôn ngữ hiện nay- là “tiêu cực”, nhưng có lẽ cũng không còn cách thể
           hiện khác hơn khi chúng tôi sống giữa đô thị xa hoa, nhà cao cửa rộng
           mà bản thân mình vẫn phải chui rúc trong những con hẻm nhỏ tồi tàn,
           không đèn đường, không nước máy. Thời đó, ở những con hẻm lớn, có
           một cột nước (gọi là phông tên nước) để người dân xài chung. Nó là
           nguồn thu nhập của một số khá đông những cô gái trong hẻm, gánh nước
           mướn cho nhà người khác với giá tiền công là năm cắc (50 xu) một đôi.
           Vì nhiều người cùng hứng nước, nhưng chỉ có một đường dẫn, nên người
           sau phải đợi người tới trước. Đây cũng là nơi gặp gỡ của chị em, cùng trao
           đổi rôm rả bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất... và cũng từ đó, trong
           ngôn ngữ bình dân có thêm từ “ma-ri-phông-tên” ! Hình ảnh đó, với tôi
           vô cùng quen thuộc. Nó gần gũi, thân thiết đến độ đã qua hàng nửa thế
           kỷ mà những tiếng cười trong trẻo, những câu nói đùa nghịch ngợm của
           những nàng “dân nữ” ngày nào như vẫn còn văng vẳng!
              Nhắc lại chi tiết tưởng chừng như không liên quan gì đến văn học
           nghệ thuật, nhưng  thực sự chính những điều nhỏ nhặt như thế đã để lại
           một nét đậm không thể phai mờ trong tâm trí tôi từ những tháng ngày
           xa cũ. Từ những con hẻm như thế, (đa phần anh em chúng tôi thời trước
           đều ở nhà mướn, nhà trọ, ngay cả nhà mua cũng đều trong hẻm) có một
           thế hệ trẻ lớn lên giữa nghèo nàn và chết chóc lại mơ ước vươn tới những
           khoảng trời cao rộng bình yên, vượt lên mất mát đau thương của thời
           chiến tranh mịt mù lửa đạn. Những nhóm văn nghệ, những thi văn đoàn
           đều hình thành từ bước khởi nguồn như thế. Lúc ban đầu có thể chỉ vài
           ba anh học trò trung học, dần dần tăng số lượng, lên đến hai và thậm
           chí là ba con số. Bấy giờ, thì không chỉ thu hẹp trong trường học, mà mở
           rộng ra với sự tham gia của nhiều thành phần bên ngoài xã hội: công
           tư chức, buôn bán kinh doanh, làm vườn, quân nhân thuộc nhiều binh
           chủng… Đây cũng là những người trẻ, tuy thuộc nhiều ngành nghề khác
           nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ cùng mang tâm trạng băn khoăn trước
           tương lai mịt mờ, cùng mang “nỗi buồn thân phận” như những cánh lục
           bình trên bao con sông đậm chất phù sa trôi về vô định.
              Anh em chúng tôi lao vào hoạt động văn nghệ với tất cả nỗi đam mê.
           Trước năm 1975, bài đăng trên nhật báo, tuần báo, nguyệt san... đều
           không có tiền nhuận bút, thậm chí tác giả còn phải bỏ tiền túi ra mua
           thêm báo có bài đăng để tặng bạn bè! Những tác phẩm thơ, truyện phần
           lớn là in ronéo với một số lượng hạn chế, chủ yếu là “góp mặt với bè bạn

                                         238
   230   231   232   233   234   235   236   237   238   239   240