Page 57 - Sac Huong Que Nha
P. 57
Saéc Höông Queâ Nhaø
Áo xiêm trót đã buộc vào,
Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa.
Việc quan Chủ khảo nằm mộng, viết theo Quách Tấn, chỉ là chuyện tương truyền. Có điều chắc chắn là sau
khi lãnh áo mão Cử nhân vinh quy bái tổ về làng, Mai Xuân Thưởng bắt tay ngay vào việc mộ quân ứng nghĩa,
và nhanh chóng trở thành lãnh tụ tài ba của Phong trào Cần Vương tỉnh Bình Định.
Hai mươi năm sau, 1905, Trường thi Bình Định lại xảy ra một sự kiện cũng liên quan đến lịch sử, không
những hâm nóng bầu nhiệt huyết của các sĩ tử ở Bình Định mà còn là “một tiếng sét đánh vang lừng cả nước” (lời
Huỳnh Thúc Kháng), mở đầu cho Phong trào Duy Tân Kháng Thuế ở Miền Trung (1908).
H 3: Điển hình một Hội Đồng Giám Khảo
thi Hương, 1897. (Hình Ảnh Xưa Việt Nam)
Năm ấy, ba vị đại khoa của tỉnh Quảng Nam là Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng,
cũng là ba nhà chí sĩ cách mạng, rủ nhau vào Nam tìm đồng chí. Lúc đi ngang qua Bình Định, ông Trần có quen
với Nguyễn Quý Anh, con của học giả Nguyễn Thông, khi ấy cư ngụ tại tỉnh này, nên ghé lại thăm. Nhân lúc quan
Bình Định mở kỳ thi Tuyển sinh, chuẩn bị cho khóa thi Hương năm tới (1906), ba nhà chí sĩ muốn dùng đề thi
của quan trường làm tiếng chuông cảnh tỉnh giới sĩ tử. Đánh thức họ dậy, lo việc cứu nước, không nên đắm mãi
trong giấc mộng khoa cử lỗi thời.
Hôm thi kỳ hai, sĩ tử đông đến sáu bảy trăm người. Viên Đốc học Bình Định là Hồ Trung Lượng, người
huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đỗ Tiến sĩ 1892, vì nhà có tang nên không thể chủ trì cuộc thi, quan đầu tỉnh phải
thay thế. Nhân cơ hội ấy, ba chí sĩ giả dạng sĩ tử chen vào trường thi, chia nhau hành động. Ông Trần làm đề phú,
ông Phan làm đề thơ, ông Huỳnh lo việc xem xét tình hình. Bài làm, lấy một tên chung là Đào Mộng Giác, với ý
nghĩa là đã tỉnh mộng. Quan trường ra đề phú là Lương Ngọc Danh Sơn, lấy vần “Cầu lương ngọc tất danh sơn”
(tìm ngọc quý ở nơi núi đẹp có tiếng); và đề bài thơ là Chí Thành Thông Thánh (lòng chí thành, thấu suốt đạo
thánh), diễn ra thất ngôn bát cú Đường luật. Hai ông đã nạp quyển như bao nhiêu thí sinh khác, nhưng văn không
khai triển đầu bài, chỉ nhắm vào ý hướng khơi dậy lòng yêu nước, khuyên sĩ tử nên bỏ lối học cử nghiệp và mộng
làm quan. Xong việc, cả ba ông vội lên đường, rời khỏi Bình Định.
Ñaøo Ñöùc Chöông 57