Page 336 - Phẩm Tam Quốc
P. 336
vùng chiếm đóng của Lưu Bị. Điều lợi thứ ba này đã được ngài Trương Tác
Diệu kể tường tận trong Lưu Bị truyện. Tóm lại, Tôn Quyền và Lỗ Túc cho
“mượn Kinh châu” chẳng phải bụng dạ bồ tát gì, hay là thích Lưu Bị. Họ
luôn xem Lưu Bị là kẻ thù giấu mặt, chẳng qua là Lưu còn có giá trị sử dụng.
Cũng tức là: họ cũng giống Lưu Chương muốn để Lưu Bị trông nom nhà cửa
giúp họ.
Tiếc rằng bàn tính thì ai cũng có thể gõ, nhưng cách tính thì khác nhau.
Tôn Quyền có cách tính của Tôn Quyền, Lưu Chương có cách tính của Lưu
Chương, tất nhiên Lưu Bị cũng có cách tính của Lưu Bị. Kết quả của các
phép tính đó, Lưu Bị được lãi, Tôn Quyền, Lưu Chương đều bị lỗ. Lưu
Chương thảm hại nhất – Công ty phá sản, thân bại danh liệt; Tôn Quyền
giương mắt nhìn Lưu Bị toạ hưởng kỳ thành – thu lời hai châu (vừa là Kinh
châu mục vừa là Ích châu mục), được voi đòi tiên. Lưu Bị không những
không trông coi nhà cửa cho Lưu Chương mà còn quay lại lấy sạch của Lưu
Chương.
Tôn Quyền thì khác. Theo Tam quốc chí – Ngô chủ truyện và “Tư trị thông
giám”, tháng năm, Kiến An năm thứ XX (Công nguyên năm 215), Tôn
Quyền cử Gia Cát Cẩn là anh Gia Cát Lượng đến gặp Lưu Bị đòi lại Kinh
châu. Lưu Bị không trả, nói: hiện ta đang chuẩn bị đánh phá Lương châu.
Chờ khi lấy được Lương Châu, ta sẽ trả tất cả các vùng đất Kinh châu cho
các vị. Tôn Quyền nói: rõ là mượn Kinh châu không muốn trả hay không trả
nữa, nên cử luôn quan viên đến ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng
hiện Lưu Bị đang quản lý. Lúc này Quan Vũ đang là tổng đốc Kinh châu.
Quan Vũ đâu có chịu cảnh đó? Quan Vũ liền đuổi luôn mấy viên quan Tôn
Quyền phái đến ra khỏi biên cảnh. Tôn Quyền tức giận, lập tức cử Lã Mông
đưa hai vạn quân đi lấy ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng; lệnh Lỗ
Túc đưa một vạn quân vào giữ Ba Khâu (thị trấn Nhạc Dương, Hồ Nam ngày
nay) chống lại Quan Vũ, còn mình thì đóng ở Lục Khẩu (từ phía tây nam
sông Lục Thuỷ, thị trấn Gia Ngư, Hồ Bắc ngày nay) để chỉ huy điều động.
Được tin, Lưu Bị biết tình thế căng thẳng, liền để Gia Cát Lượng ở lại giữ
Thành Đô, còn mình thống lĩnh năm vạn đại quân và chừng tháng sáu về tới
Công An, đồng thời lệnh Quan Vũ thông lĩnh ba vạn quân đến đóng ở ích
Dương, quyết sống mái với Tôn Quyền.
Trước lúc vào trận có cuộc hội đàm giữa Lỗ Túc và Quan Vũ. Theo Tam
quốc chí – Lỗ Túc truyện, lúc đó hai bên quy định, hai quân cách nhau trăm
bước, từng người xách dao vào hội (không phải chỉ có một mình Quan Vũ).