Page 376 - Phẩm Tam Quốc
P. 376
Hán Hiến đế lên làm hoàng đế. Phần trước Lưu Bị nói “ngài tài gấp mười Tào
Phi”, phần sau lại nói “nếu hắn bất tài, hãy tự thay đi”, mọi người có thể hiểu
là, việc mà Tào Phi làm, ngài là người có tài gấp mười lần Tào Phi, cũng có
thể làm! Trẫm để ngài làm, cứ làm là được!
Vấn đề thứ hai: Cách nói của Lưu Bị không phải trước kia chưa có ai nói.
Lúc gửi con cho Trương Chiêu, Tôn Sách đã nói như vậy. Theo chú dẫn Ngô
sử của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí – Trương Chiêu truyện, Tôn Sách
đã nói: “nếu Trọng Mưu không được việc, ngài hãy tự tay nhận lấy”. Đúng,
không đơn lẻ mà thành đôi! Và ý của Tôn Sách là, có thể lấy mà thay thế. Tất
nhiên Tôn Sách nói: “tự tay nhận lấy”, Lưu Bị nói là “tự thay đi”. Chẳng nhẽ
chỉ vì khác nhau có một chữ mà ý tứ lại khác nhau vời vợi?
Vấn đề thứ ba: Cho dù ý của Lưu Bị chỉ là ban cho Gia Cát Lượng quyền
phế lập thì thời đó đã là việc làm chết người. Những năm cuối thời Đông
Hán, ai là người làm việc phế lập? Đổng Trác. Ai là người hạ bệ hoàng đế
đương nhiệm để thay thế? Tào Phi. Vì vậy gọi là “tự thay đi”. Không phải
Tào Phi thì là Đổng Trác, Gia Cát Lượng cũng có thể làm những việc như
vậy sao? Ngài Phương Bắc Thần nói: Lưu Bị cũng không có ý để Gia Cát
Lượng làm Đổng Trác mà muốn Gia Cát Lượng làm Hoắc Quang. Hoắc
Quang là quyền thần thời Tây Hán. Trước lúc lâm chung, Hán Vũ đế đã gửi
con cho ông, Hoắc Quang đã trung thành phò tá (mười ba năm phò tá Chiêu
vương), còn làm việc phế lập (phế Xương Ấp vương Lưu Hạ, lập Tuyên đế
Lưu Tuân). Nhưng sau Hoắc Quang qua đời, cả gia tộc đã bị hủy diệt, trong
đó có vợ của Hoắc Quang, mọi người trong nhà gần như bị giết sạch. Rõ ràng
là Hoắc Quang cũng không tránh khỏi tai họa khủng khiếp. Nếu là chúng ta
chắc cũng kinh hồn lạc phách, toát mồ hôi hạt, chỉ có thể phủ phục mà nói,
“thần xin ra sức, hết lòng trung trinh cho tới chết”.
Xem ra, dù giải thích là hãy tự thay đi hay được tự quyết mọi việc; dù để
Gia Cát Lượng là Hoắc Quang hoặc là Tào Phi thì bốn chữ “hãy tự thay đi”
cũng là một áp lực cực kỳ to lớn đối với Gia Cát Lượng. Vì vậy, chúng ta
muốn hỏi: Lưu Bị “cố ý gây áp lực” hay là “vô tâm mà nhỡ lời”? Hoặc là
“thực tâm gửi gắm” hay là “ngấm ngầm cài bẫy”?
Điều này chỉ có Lưu Bị mới rõ được, nhưng cũng có thể suy đoán xem sao.
Và cũng từ suy đoán, Trần Thọ nói: “một lòng một dạ”, Lư Bật nói: “xuất
phát từ tình cảm”. Họ kết luận như vậy bởi theo họ, quan hệ giữa Lưu Bị và
Gia Cát Lượng như cá gặp nước, lòng dạ hòa hợp, không hề ngăn cách.
Trước lúc lâm chung gửi con là việc thổ lộ nỗi niềm, chân thành cư xử.