Page 23 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 23
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
giúp đỡ áo quần và tiền bạc, quan Hiệp trấn Vĩnh Long khuyến khích cố
gắng học tập, ông Đốc học Vĩnh Long tận tình dạy dỗ.
Nhờ chí thú học hành, năm 29 tuổi Phan Thanh Giản lên Gia Định
thi Hương đỗ Cử nhân. Năm sau ra Kinh đô thi Hội, đỗ Đệ tam giáp Tiến
sĩ xuất thân. Đó là khoa thi Hội năm Bính Tuất 1826, khoa nầy có 10
người đỗ Tiến sĩ, Phan Thanh Giản đứng hàng thứ 3 (3/10) và là vị tiến
sĩ đầu tiên của xứ Nam kỳ.
Ngày thi đậu, Phan Thanh Giản về quê áo vải lạy tạ ơn cha mẹ, thầy
Noa, ông Đốc học, ông Hiệp trấn Vĩnh Long và bà mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị
Ân, những người đã nuôi dạy giúp đỡ cụ nên người. Không thấy ghi chép
hay truyền thuyết nào nói rằng Tiến sĩ Phan Thanh Giản về quê vinh qui
bái tổ, tiền hô hậu ủng, võng anh đi trước võng nàng theo sau!
Dưới ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Phan Thanh Giản được
triều đình trọng dụng. Cụ làm quan trong Nội các, trấn nhậm ở các tỉnh,
coi thi, đi sứ, làm Kinh lược sứ trấn Tây, Gia Định và ba tỉnh miền Tây Nam
kỳ. Cụ từng lãnh chức Thượng thư, Cơ mật viện đại thần, Kinh diên Giản
quan, Quốc tử giám sự vụ, Quốc sử quán tổng tài, hàm Hiệp biện Đại học
sĩ. Điều đó chứng tỏ cụ là người có chí có tài trong mọi lãnh vực và là một
người học sâu, hiểu rộng.
Đời cụ trải qua lắm bước thăng trầm, làm quan nhiều năm hết được
thăng rồi lại giáng. Không phải cụ bất tài hay phạm pháp, mà vì chính cụ
nói và làm những việc không hợp ý vua và đình thần đang nắm trong tay
rất nhiều quyền lộc.
Nhân dân và các bậc thân sĩ ở quê Phan Thanh Giản hiểu biết và kính
trọng cụ không chỉ vì cụ đỗ đại khoa làm quan lớn, mà vì cụ là người có
tâm, có chí, trọng hiếu nghĩa, gặp việc dám nói, liêm chính hơn người.
Người ta cảm mến cụ là một người sinh ra trên quê nghèo sớm xa cha,
mồ côi mẹ, nhưng hiếu thảo và ham học ít ai sánh bằng.
Đang làm quan, cha mất, cụ về thọ tang cha mặc quần bô áo vải, mỗi
ngày ra mộ cha tự tay nhổ cỏ và gánh đất đấp mộ, không nhờ người khác
làm thay vì cho rằng đây là phận sự của kẻ làm con.
Người ta khen Phan Thanh Giản tuy việc làm thông thường như những
người dân bình thường nhưng nêu được tấm gương lớn cho mọi người về
đạo hiếu.
Xứ Ba Tri quê hương Phan Thanh Giản tuy rất nghèo nhưng người
dân có truyền thống thông minh và hiếu học. Chính Phan Thanh Giản là
tấm gương sáng về tinh thần hiếu học ấy.
26