Page 394 - Phẩm Tam Quốc
P. 394
§38. NƯỚC LỬA KHÓ DUNG
Trước lúc bệnh và qua đời ở cung Vĩnh An, Lưu Bị đã sắp đặt một cơ cấu
phò thân “Lượng chánh, Nghiêm phó”, rồi gửi con cho Gia Cát Lượng với
Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là phó. Nhưng, sau khi Lưu Bị mất, Lý Nghiêm
không thể có được tác dụng của phò thần. Ngược lại, tám năm sau, Lý
Nghiêm bị phế truất và lưu đầy. Vì sao Gia Cát Lượng phải làm như vậy?
Đằng sau quyết định cứng rắn đó có nguyên nhân sâu xa nào về mặt chính trị
không?
Tập trước chúng ta nói tới quan hệ quân thần giữa Gia Cát Lượng và Lưu
Thiền, tập này nói việc Gia Cát Lượng xử lý mối quan hệ thứ hai: quan hệ
với đồng liêu. Ở nước Thục, Gia Cát Lượng có rất nhiều đồng liêu, nhưng Lý
Nghiêm là người quan trọng nhất. Vì sao? Vì đều là cố mệnh, đều nhận di
chiếu. Theo Tam quốc chí – Tiên chủ truyện, trước lúc lâm chung, Lưu Bị
từng “gửi con cho thừa tướng Lượng, với Thượng thư lệnh Lý Nghiêm là
phó”. Lý Nghiêm truyện cũng nói: Lý Nghiêm “cùng thừa tướng Lượng nhận
di chiếu phò tá thiếu chúa”, hơn nữa Lưu Bị còn “để Nghiêm là Trung đô hộ,
coi việc quân trong ngoài, lưu giữ Vĩnh An”. Cách sắp đặt này, giống hệt như
tình hình sau lúc Tôn Sách qua đời. Theo Trương Chiêu truyện và Chu Du
truyện trong Tam quốc chí, trước lúc lâm chung Tôn Sách từng gửi con cho
Trương Chiêu, Chu Du cũng “là Trung hộ quân cùng nắm quyền với Trưởng
sử Trương Chiêu”. Gia Cát Lượng nhận chức thừa tướng và Trương Chiêu
nhận chức Trưởng sử đều là quan văn hoặc là trưởng quan hành chính; Lý
Nghiêm nhận chức Trung đô hộ và Chu Du nhận chức Trung hộ quân đều là
quan võ hoặc trưởng quan quân sự. Chu Du và Trương Chiêu “cùng nắm
quyền”, Lý Nghiêm và Khổng Minh “cùng nhận di chiếu”, một văn một võ,
một chánh một phó, thực giống hệt nhau! Ở đây nói lên điều gì? Nói rằng,
trong mắt Lưu Bị, Lý Nghiêm tức là Chu Du hoặc hy vọng Lý Nghiêm sẽ là
Chu Du.
Vậy, Lý Nghiêm có được tác dụng như Chu Du không?
Không. Lý Nghiêm không những không thể cùng Gia Cát Lượng phò tá
Lưu Thiền, ngược lại tám năm sau khi Lưu Bị qua đời còn bị phế truất, thân
bại danh liệt. Điều đó khác hẳn với tình hình của Chu Du và cũng là nghi án
còn lưu lại trong lịch sử. Ở đây, chúng ta sẽ nói tới nghi án này. Bởi vậy,
chúng ta cần nói tới quá trình Lý Nghiêm bị phế truất.
Theo Tam quốc chí – Lý Nghiêm truyện, nói chung sự việc là thế này: